
Kính Nhân
TÔ TỬ HÙNG
NHỚ VỀ MIỀN ĐẤT LẠNH - ĐÀLẠT THÂN THƯƠNG !
VÀ GIẢI CỜ TƯỚNG GIAO LƯU TẠI CLB CAFÉ KỲ NGỘ NĂM 2019
DALAT = Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” ( Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe). Nghĩa nguyên thủy : “Giòng suối của bộ tộc Lạt”(Ko Ho)
Vài dòng thương nhớ về thành phố sương mù, ngàn hoa
“Bao la đồi Thông vi vu gió mát,
Khúc hát thanh xuân Đàlạt ôi mến yêu!”
Tiếng hát truyền cảm của ca sĩ tài tử Tử Vân trong nhạc phẩm Đàlạt Thương Mến, đã truyền thêm sức mạnh cho chiếc xe Mercedes đoàn Cờ Tướng Thân Hữu Úc Châu đang hì hục leo dốc Đèo Prenn đi vào địa phận thành phố mù sương, Đà Lạt, một thành phố nổi tiếng với khí hậu tươi mát, đuợc bao phủ bởi lớp sương mù lạnh lẽo quanh năm. Với những đồi thông bát ngát, bông hoa rực rỡ muôn màu muôn sắc; với những danh lam thắng cảnh mang sắc thái đặc thù địa phương mà bao du khách thế giới mộ danh đến viếng và nghỉ dưỡng; với những biệt thự xinh đẹp hoành tráng trên con đường Trần Hưng Đạo mà thế kỷ truớc người Pháp đã gọi Đàlạt với cái mỹ danh là Petite Paris!
Đây là chặng đường cuối cuộc hành trình mười ngày của hội cờ Tướng Thân Hữu Úc Châu vừa làm công tác từ thiện, vừa giao lưu cờ tướng. Đoàn chúng tôi gồm 10 thành viên. Truởng đoàn là anh Giang Văn, thủ quỹ chị Lê Ánh Hồng. Các thành viên gồm anh Trần Gia Long, anh Thông Trần, anh chị Nguyễn Văn Văn, anh chị Đào Trọng Đức, anh Trần Anh Khoa và anh Tô Tử Hùng. Chuyến vạn lý đồng hành của chúng tôi đã đi qua các địa phận Đà Nẵng, Tam Kỳ, Sài-gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Đồng Nai, Phan Rí Cửa, Phan Thiết và Đàlat.
Đàlat từng là thành phố của ngàn Thông. Nay nổi tiếng với danh xưng “Thành Phố ngàn Hoa”! Có thể ít người biết Đàlat còn nhiều con đường mang tên các loài hoa đặc trưng cho thành phố núi rừng bình yên và lạnh lẽo này. Ta có thể kể ra Đường Mimosa, Mai Anh Đào, Cẩm Tú Cầu, Hoa Hồng, Hoàng Oanh, Tường Vy, Đỗ Quyên và Phượng Tím.
Đàlạt là nơi chôn nhau cất rốn của tôi. Tôi yêu Dalat với tình cảm tha thiết và thân thương. Tôi sinh ra và sống cả thời thơ ấu trong tiếng thông reo của rừng núi cao nguyên gió mát, trong tiếng ộ ệ tìm phối ngẫu của ếch nhái, ểnh ương; trong tiếng dế gáy, tiếng rên rầu rỉ của ve hè; trong tiếng mưa tí tách vào những sáng mùa Đông, mưa phùn ướt áo... Tôi lớn lên trong nguồn sữa ngọt của dòng nuớc Hồ Xuân Hương; trong sự nâng niu, ôm ấp của vòng tay tươi mát thành phố mang tên Sương.
Nằm trên cao nguyên Langbian với độ cao 1,500m so với mực nuớc biển, Đàlạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hoà và dịu mát quanh năm. khắp các thung lũng Đàlạt luôn đuợc bao phủ bởi lớp sương tứ thời, người ta còn gọi Nàng là “Thành phố mùa xuân vĩnh cửu”! Thời trung học, ông thầy môn Triết của tôi nói chữ DALAT được ghép từ những chữ đầu của câu cách ngôn Latin “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” (Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe). Tôi tôn trọng và mến cái nghĩa nguyên thủy của chữ Dalat “Giòng suối của bộ tộc Lạt” (Ko Ho).
Thành phố của mộng mơ với nhiều đường dốc vừa đi đã mỏi. Các điểm tham quan có nét đẹp tự nhiên với những tên gọi thật thơ mộng như Đồi Mộng Mơ, Hồ Xuân Huơng, Hồ Tuyền Lâm, Thác Prenn, Thung Lũng Tình Yêu, Con Đường Phượng Tím hoặc đượm chút thương cảm, hoài cổ như Hồ Than Thở, Đồi Thông Hai Mộ....đã cuốn hút hàng triệu du khách hàng năm đến thăm vùng đồi núi thông reo này.
Từng sống ở Đàlạt nhiều năm, nhưng khi xe tiến vào trung tâm Thành phố mà tôi cứ tưởng như bị lạc vào một vùng đất lạ. Đàlạt ngày nay thay đổi nhiều, đang vươn mình để sánh kịp với nhịp sống của thời đại mới. Chúng tôi dừng chân tại khách sạn Tea Leaf ở đường Hai Bà Trưng. Sau khi tắm rửa nghỉ ngơi thoải mái, đoàn chúng tôi ra trung tâm chợ ăn khuya và bắt đầu đi khám phá chợ đêm Đàlạt.
Màn đêm buông xuống, khu chợ đêm đèn đốt sáng trưng như ban ngày. Chợ đêm là tụ điểm mua sắm thu hút du khách mọi miền, nên đa số sạp đều bán những đặc sản Đàlạt như mứt, khoai lang khô, artichaude khô v.v... và áo len cũng là mặt hàng người ta ưa thích. Bên cạnh đó là những quán cốc bán bia và đồ nhậu. Mực nướng ép máy chấm tương ớt cay vừa ăn vừa hít hà thật ngon miệng. Điệp và sò huyết húp với nuớc mắm thì tuyệt cú mèo. Cá tai tượng chiên xù, xôi gà chạy bộ, ngầu bín, ngọc dương bín... đều là những món ăn ưa thich được du khách chiếu cố tận tình. Đang nhiệt tình thưởng thức các món ăn khoái khẩu thì thình lình một cơn mưa ập đến không một lời báo truớc. Tháng 5,6,7...10 là những tháng mùa mưa, thảo nào! Cơn mưa thật lớn xem chừng ông trời khóc to vì thương dân đen nghèo khổ kiếm không đủ ăn mà ông cũng vô kế khả thi. Rồi mưa cũng tạnh. Đêm se se lạnh. Chúng tôi trở về khách sạn để nghỉ ngơi sau một ngày đi đường mệt nhọc.
Về quê cũ gặp bạn cố tri là điều vui nhất trong đời. Anh Lê Tài, người bạn cờ Đàlạt mấy mươi năm của tôi, là con người vui tính, nghĩ gì nói đó. Quan hệ giữa chúng tôi cũng “ngộ” lắm. Cờ Anh hơn tôi “tí xíu”, mà “tí xíu” này lại có biên độ lớn theo sự diễn dịch của anh! Hễ mỗi lần gặp tôi là đòi chấp 3 tiên. Tôi vui vẻ nhận lời và lần nào tôi cũng thua! Phen này gặp lại, anh Tài có dịp kể chuyện đánh cờ cho mấy anh em đoàn Úc trên xe nghe. Cuối cùng anh phán một câu: “Tô Tử Hùng CỜ VỊT”! Cả xe cười ầm lên. Anh Tài vui lắm vì vững tin phần phán xét thông minh, sáng suốt của mình. Tôi cũng rất vui vì đang làm một “việc thiện”, nhất là việc mang niềm vui và hy vọng đến cho người khác mà chẳng tốn xu ten nào.
Đuợc sự ưu đãi thiên nhiên địa lý, khí hậu Đàlạt lúc nào cũng nằm trong khoảng 16 đến 20độ C. Các cô trinh nữ vùng đất lạnh cũng được trời ban cho làn da trắng nõn, môi son má hồng, trông thật quyến rũ. Tôi là người hơi đa cảm, nhất là khi về Đàlạt tôi hay thả hồn về những kỷ niệm xa xưa... Hồi đó nữ sinh các truờng trung học Bùi Thị Xuân, Couvent Des Oiseaux mỗi sáng đến truờng trong bộ áo dài trắng thướt tha, thùy mị làm mê tít biết bao đứa con trai Dalat. Có đứa bạo mồm còn chạy theo và buông lời chọc ghẹo:
“Cô kia má đỏ hồng hồng,
Cho anh hỏi nhỏ có chồng hay chưa?”
Những người từng sống ở Đàlạt lâu năm phải biết trong đường hẻm Như Tịnh khu rạp hát Ngọc Hiệp đường Phan Đình Phùng có ông già người Bắc nấu món Mì Quảng rất ngon miệng. Tôm khô, thịt ba rọi, su su bằm nhỏ rồi hầm với nuớc soup xí quách. Bánh phở nhuộm nghệ vàng, rau muống chẻ, xà lách sắc mỏng, đậu phộng rang đăm nhuyễn, ớt bằm, bánh tráng nướng... những vật liệu tầm thường này qua bàn tay khéo léo, điệu nghệ của ông, đã đuợc biến chế thành món Mì Quảng ngon miệng độc nhất vô nhị như một phép lạ mà mãi đến nay tôi vẫn còn ghiền. Tôi đã từng đi ăn Mì Quảng khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và gần đây nhất ở Tam Kỳ và Đà Nẵng nhưng không làm sao tìm lại đuợc cái huơng vị độc đáo ngày xưa.
Dĩ kỳ hội hữu
Với tinh thần giao lưu, học hỏi và tạo nhịp cầu kết nối tình thân giữa hai hội cờ ở hai địa cực trái đất, Hội Cờ Tướng Thân Hữu Úc Châu đã đến thăm CLB Kỳ Ngộ tọa lạc tại trung tâm thành phố Đàlạt vào sáng 09/5/2019 như đã hẹn.
Hai chữ “Kỳ Ngộ” hiểu theo nghĩa thông thường là cuộc gặp gỡ lạ lùng, có lẽ chủ nhân Câu Lạc Bộ là tay “thâm nho” thứ thiệt, đã chơi chữ một cách tài tình lồng vô cái ý : đây là nơi gặp gỡ của người yêu cờ thật hay, thật tự nhiên. Hai chữ “Kỳ Ngộ” cũng khiến tôi nghĩ ngay đến tác phẩm Bích Câu Kỳ Ngộ, một truyện tình thơ lục bát giữa Tú Uyên và Giáng Kiều đã học thời trung học. Kết cục câu truyện có hậu. CLB Kỳ Ngộ cũng sẽ trường tồn để tạo sân chơi cho anh em kỳ thủ Đàlạt có chỗ giao lưu, luyện võ.
Đoàn chúng tôi được sự tiếp đón nồng nhiệt, thân tình của anh Dương Tấn Phương, chủ nhân CLB Kỳ Ngộ và anh Ngô Kỳ Vinh, một người đa tài đa nghệ cả văn lẫn võ, tinh thông Hán lẫn Việt. Hai Anh đều là những người có máu đam mê và tâm huyết với bộ môn cờ Tướng. Theo hai anh cho biết hiện đang nỗ lực đầu tư cho thế hệ truyền thừa, nghe mà kính phục. Khi bước vào CLB ta nhìn thấy ngay những câu đối về cờ với những nét thảo bay bướm tuyệt vời, bút lực thấu tận giấy được lộng kính treo trên tường. Hỏi ra mới biết đây là những tuyệt tác và trân quý của danh gia Thư Pháp Ngô Kỳ Vinh. Tôi thích lối viết thảo thanh thoát, tự tại không gò bó, lưu xuất tự nhiên từ trong tâm của anh. Anh cho biết còn một căn “nhà ma” ở Kỳ Ngộ 2, trong đó Anh có hàng trăm tác phẩm trưng bày và có nhã ý mời chúng tôi đi tham quan chiều nay, rất tiếc vì thời gian eo hẹp nên đành bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này. Tôi ghi lại vài câu tôi tâm đắc trên tường như “Cách đánh cờ của bạn ra sao, người ta có thể luận bạn như thế đấy” hoặc “Đỉnh cao của Cờ Tướng là để giao lưu, tìm bạn giải khuây thư giản, tìm thú vui chơi cờ”.
Cuộc giao lưu cờ theo phương thức thi đấu đồng đội. Mỗi bên đưa ra 6 kỳ thủ, đấu 6 vòng. Thời hạn mỗi ván 25 phút không cộng giây. Thắng 3 điểm, huề 1 điểm, thua 0 điểm. Điểm qua lực lượng đôi bên, CLB Kỳ Ngộ có phần ưu thế hơn, các chiến tướng đều là những chàng thanh niên đẹp trai, đang thời kỳ sung sức ở phong độ cao. Trong khi đoàn Úc có tới 4 ông “đức cao vọng trọng” trên 60 và “giã từ vũ khí” đã lâu! Câu nói “Càng già càng dẻo càng dai” hoàn toàn không thích hợp ở đây vì chúng tôi chưa leo dốc (Đàlạt) đã…thở! Việc gìn giữ bờ cõi, biên cương là trọng trách giành cho hai chiến tướng trẻ Trần Anh Khoa và Đào Trọng Đức.
Cuộc chiến khơi mào. CLB Kỳ Ngộ quả là lợi hại, mới vòng đầu đã dẫn truớc tỷ số 4/2. Đoàn Úc tuy chân yếu tay mềm nhưng tinh thần chiến đấu cao độ, luôn cố gắng tạo những khó khăn để kèm bớt bước tiến như vũ bão của đội bạn. Rồi cuộc chiến gây cấn nhưng đậm tình thân hữu cũng kết thúc, CLB Kỳ Ngộ đã thắng với một tỷ số khá chênh lệch và thuyết phục. Úc về nhì nhưng cũng có phần thưởng khích lệ. Mọi người đều vui vẻ!
Trong buổi tiệc chia tay khoản đãi những người bạn cờ đến từ lục địa bên kia trái đất, CLB Kỳ Ngộ đã tặng đội Úc một bức tranh chạm bút lửa, một món quà độc đáo kỷ niệm thân thương mang tính rất Dalat. Chúng ta vô cùng trân trọng sự quý mến và tình thân của CLB Kỳ Ngộ đã giành cho ta và mong ngày nào đó được tái ngộ những người bạn phương xa.
Hung To