
MỘT NGƯỜI KHÔNG THỂ CHẾT
Mời bạn xem hình vẽ bên đây. Đó là một bức tranh mô tả đôi mắt của Đức Phật. Phía trên trán có một chấm tròn tượng trưng cho điểm “giác ngộ”. Con mắt bên trái bày tỏ đức từ bi. Con mắt phải là biểu tượng cho trí tuệ. Điểm nổi bật là một hình cong giữa hai con mắt giống như một dấu hỏi-?, nhưng thật ra |
trong tiếng Phạn dấu nầy là số 1. Số 1 nối kết hai con mắt với nhau, hợp nhất từ bi và trí tuệ. Sự hợp nhất hoàn hảo. Một người từ bi nhưng không có trí tuệ sẽ bị xem là thiếu khôn ngoan, mù quáng. Nhưng trí tuệ mà thiếu từ bi là mối nguy rất lớn cho thế nhân. Như thế phải chăng giác ngộ là sự hòa hợp tuyệt diệu giữa trí tuệ và từ bi? Một tấm lòng nhân hậu trong một tâm hồn khôn ngoan sẽ là nguồn phước hạnh cho xã hội loài người!
Và bây giờ mời Bạn đem hình ảnh đó đặt trên một con người: Chú Lê Văn Mỹ. Rồi Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên nhận ra rằng những mỹ đức trong con mắt Phật hòa hợp một cách lạ kỳ trên đời sống của Chú như một kẻ đã giác ngộ từ muôn kiếp nay trở về sống giữa trần gian.
Những người đón xe đò đi từ Mỹ Tho về Cần Thơ, Vĩnh Long, hay An Giang, Cà Mau có khi gặp một lão ông tuổi độ thất tuần, quần áo nghèo nàn, đội chiếc nón tả tơi, trên vai đeo chiếc cặp sờn rách. Có khi những tài xế thấy thương tình cho quá giang mà không đòi lộ phí. Nhưng nào ai biết rằng lão ông đó chính là một Việt Kiều Úc đang hóa thân thành một kẻ tầm thường để có thể đi đến những vùng sâu, vùng xa, đem chút quà tình thương trao tận tay những người cùng khổ. Đó là hình ảnh hòa hợp giữa từ bi và trí tuệ!
Ông là một cựu sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Đã từng chiến đấu cho quê hương, dân tộc. Một phần thân thể đã hiến dâng để bảo vệ non sông. Cuộc chiến đã tàn, nhưng bầu nhiệt huyết vẫn luôn bừng cháy. Bây giờ ông chiến đấu không phải để giành anh dũng bội tinh, để được lên lon hay huy chương, bằng tưởng lục, mà là để tỏ bày nỗi ưu tư của tình huynh đệ chi binh, nặng lòng với thế hệ con cháu đang oằn mình trong nỗi bần hàn, cơ cực. Ông dẫm từng bước chân trên vạn nẻo đường đất nước để tìm lại những đứa em cùng quân ngũ, những người Thương Binh không nơi nương tựa, những trẻ thơ mồ côi, nghèo túng để vun đắp tình người, chia xẻ xót xa và đem cho nhau niềm an ủi. Từ thiện đối với ông không phải chỉ là gom tiền, gửi tiền và báo cáo, mà là đến tận nơi, nhìn tận mắt, tay nắm tay, thấu hiểu sâu thẳm của hoàn cảnh từng người. Mỗi đồng bạc ân nhân tại Úc trao cho ông đều đến tận tay người nhận, không mất một xu nào. Mọi phí tổn khác, ông và gia đình âm thầm gánh chịu, không một chút kể công. Thật là một ông già đơn sơ mang trong mình trái tim quãng đại.
Những cuộc ‘hành quân’ vạn dặm đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khó khăn, cơ cực luôn luôn chực sẵn. Hơn một lần bị té xe, thương tích, máu đổ, thịt rơi. Nhưng người cựu chiến binh già vẫn tiếp tục hành trình. Rịt lại vết thương, hớp một ngụm nước, sửa lại áo quần vấy máu rồi lại leo lên xe để hoàn thành nhiệm vụ. Khi về nhà, không dám kể lại với vợ con, e rằng họ sẽ xót lòng mà cản trở niềm đam mê của mình trước nỗi xót xa đồng loại. Những thương binh có lần nói với ông rằng: “Ông không được chết, nhé!”. Bởi vì ông bây giờ như một người cha, người anh, là nguồn an ủi, nơi nương dựa cuối đời của họ. Nhờ ông, họ có thêm một chút thịt cho bữa ăn, một tấm quan tài khi nằm xuống và một tấm lòng quãng đại khi họ gặp cảnh ngặt nghèo. Ông là ông già Nô-ên bằng xương bằng thịt cho những em thơ mồ côi, những học sinh nghèo hiếu học ở các vùng tận cùng đất nước. Nhờ ông mà cháu có thêm một quyển tập để học, một gói xôi lót lòng, một ước mơ vươn mình trở thành Phù Đổng Thiên Vương.
Nếu có dịp, Bạn hãy để lòng mình lắng đọng, ngồi với ông bên tách nước trà, nghe kể lại những chặng đường xuôi ngược để tìm kiếm Thương binh, để đến với các em thơ nghèo túng. Tận sâu trong đáy mắt dường như có một dòng lệ chảy dài, một niềm thương cảm vô biên. Rồi Bạn cũng sẽ thốt lên rằng: “Chú không thể chết, chú nhé!”. Bởi vì Chú bây giờ là tấm gương cho chúng tôi noi theo. Chú là hình ảnh để chúng tôi học đòi đi làm công tác nhân đạo. Là hi vọng cho Thương Binh, là nguồn phước hạnh cho những em thơ, người tàn tật.
Xin Chú Mỹ hãy hóa thân trường sinh bất tử, để dân tộc Việt Nam luôn có một đức Phật sống, trải rộng tình người, tỏa ngời cội nguồn trí tuệ, từ bi.
Thong Tran